VỀ MIỀN TÂY – VỀ MIỀN TRÁI CÂY
VỀ MIỀN TÂY – VỀ MIỀN TRÁI CÂY
Nếu có có cơ hội đến Miền Tây, nhất định bạn phải nên thưởng thức các loại trái cây đặc trưng của vùng đất này.
SẦU RIÊNG
Sầu riêng được mệnh danh là vua của các loại trái cây, bởi mùi vị và hình dạng độc nhất vô nhị. Sẩu riêng có vẻ ngoài gai góc, có vị béo và mùi thơm đặc trưng. Thông thường, nếu bạn yêu thích mùi sầu riêng thì bạn sẽ bị nghiện ăn loại trái cây này, còn ngược lại nhiều người chỉ “nghe mùi” thôi là đã phải “né ra xa 3 thước” như cách người miền Tây hay nói.
Sầu riêng thường ra trái vào giữa hè, tầm tháng 6 – tháng 7, tuy nhiên hiện nay nông dân cũng đã tìm ra cách trồng sầu riêng trái vụ nên hầu như mùa nào bạn cũng có thể thưởng thức loại trái cây này.
Có nhiều giống sầu riêng khác nhau, nhưng giống sầu riêng Ri 5, cơm vàng hạt lép là loại sầu riêng được ưa chuộng nhất ở Việt Nam và khu vực Cái Mơn, Chợ Lách, Bến Tre là nơi nổi tiếng với giống sầu riêng ngon này.
MĂNG CỤT
Nếu sầu riêng được mệnh danh là vua của các loại trái cây, thì măng cụt cũng được ví là bà hoàng. Măng cụt có vẻ ngoài kiêu sa với màu tím đặc trưng và có vị chua chua ngọt ngọt, ngon đến khó cưỡng. Măng cụt là một loại trái cây vô cùng dễ ăn và luôn đắt hàng mỗi khi tới mùa.
Măng cụt có trái từ cuối tháng 4 đến tháng 7 và đây là lúc người dân miền Tây bắt đầu thu hoạch măng cụt để bán ra thị trường, măng cụt luôn trong tình trạng cháy hàng vì nhu cầu tiêu thụ cao và hiện thì chưa có giống măng cụt trái vụ nên nếu đến miền Tây vào mùa măng cụt bạn nên mua thật nhiều để ăn và đem về làm quà nhé.
DỪA
Nói đến trái cây miền Tây mà không nhắc đến cây dừa là một thiếu sót lớn. Đến Miền Tây bạn sẽ bắt gặp dừa ở khắp mọi nơi và sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời khi húp một ngụm dừa tươi ngon ngọt và ngắm cảnh đồng quê Miền Tây.
Dừa cho trái sau khoảng 4-5 năm trồng và cho trái cho nhiều năm sau nữa, và dừa có rất nhiều công dụng như nước dừa tươi thì để uống, dừa khô thì để làm bánh, làm kẹo, làm rượu, vỏ dừa khô được dùng làm ấm trà, thảm dừa, hay thân dừa được dùng làm các vật dụng trong nhà bếp.
Khi nhắc đến dừa là phải nhắc đến Bến Tre, vương quốc dừa ở Việt Nam với nhiều giống dừa như dừa xiêm, dừa dứa, dừa lửa,…Nhưng đặc biệt, có một loại dừa cực nổi tiếng do sự khác lạ của nó, đó là dừa sáp, giống dừa này phía trong hầu như trong có nước, chỉ có sáp sền sệt và giá thành luôn rất cao. Đặc biệt hơn, loại dừa này chỉ mọc và cho sáp ở khu vực Cầu Kè, Trà Vinh.
XOÀI
Xoài là một loại trái cây ngon, dễ ăn và có nhiều giống khác nhau. Thông thường, mùa xoài ở miền Tây là thường vào cuối tháng 4 và cuối tháng 10, lúc này bạn sẽ bắt gặp xoài ở khắp nơi từ những khu chợ quê, đến những gian hàng nhỏ dọc quốc lộ và tất nhiên trong cả siêu thị lớn.
Có nhiều giống xoài được trồng ở Việt Nam như xoài cát Hòa Lộc, xoài thanh ca, xoài cát chu, xoài bưởi, xoài Đài Loan, xoài thơm,…nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là xoài cát Hòa Lộc, với vị ngọt và hậu chua đặc trưng, luôn đem lại cảm giác tươi mát sau khi ăn.
Hiện nay, ngoài việc xoài được sử dụng như loại quả ăn tươi, thì xoài sấy, xoài dẻo cũng đang dần trở nên phổ biến.
DƯA HẤU
Dưa hấu là loại quả vô cùng phổ biến ở Miền Tây, người dân hay “ăn chơi” dưa hấu vào những ngày nóng nực hay cũng có thể ăn kèm khi dọn lên mâm cơm chiều “cho dễ trôi cơm” (đây là một nét riêng ở Miền Tây, vì ở vùng ngoài, người dân không ăn trái cây kèm cơm).
Dưa hấu thì được trồng quanh năm, thường được trồng trên các “liếp đất”, được phủ bao ni lông và tầm sau 4 tháng thì có thể thu hoạch.
Dưa hấu ngon là phải có vỏ mỏng, vị ngọt thanh và nếu có “cát cát” thì lại còn ngon hơn nữa.
Và cứ đến mỗi dịp Tết thì nhu cầu dùng dưa hấu lại càng cao và lúc đó dưa hấu sẽ tràn ngập các khu chợ.
KHÓM
Không như vẻ ngoài gai góc của mình, khóm có mùi thơm nhẹ và có vị chua ngọt đặc trưng, là loại trái cây ưa thích của nhiều người.
Khóm được trồng từ 4 – 5 tháng và thường được trồng trên diện tích và loại khóm được xem là ngon nhất ở Việt Nam là khóm Cầu Đúc của Hậu Giang, nơi đây đã hình thành nên nhiều hợp tác xã khóm Cầu Đúc để phát triển thương hiệu đặc sản quê nhà.
CHÔM CHÔM
Chôm chôm là loại trái đặc trưng của khu vực ĐBSCL, được trồng nhiều trên các cù lao sông, có đặc điểm màu đỏ và gai góc ở bên ngoài, bên trong có vị chua ngọt đặc trưng. Chôm chôm vào vụ tầm cuối tháng 5 đến cuối tháng 7 và thường có giá khá rẻ so với những loại trái cây khác.
Chôm chôm có nhiều loại nhưng chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái vẫn là 2 loại được ưa chuộng nhất hiện nay.
NHÃN
Nhãn hay còn gọi long nhãn cũng là một loại quả phổ biến của miền Tây, trái nhỏ thường có màu vàng nâu và thịt có vị ngọt gắt.
Mùa nhãn Miền Tây là từ đầu tháng 5 cho đến cuối tháng 8, khi đi dọc cái miệt vườn, bạn sẽ thấy hàng ngàn trái nhãn sum suê trên cây với màu nâu vàng bắt mắt.
Nhãn tiêu da bò và nhãn xuồng là hai loại nhãn được yêu thích nhất ở miền Tây do vị ngọt thanh, dày cơm và hạt nhỏ.
BƯỞI
Bưởi là một loại quả có múi, chứa nhiều vitamin C, và có rất nhiều giá trị về mặt dinh dưỡng.
Ở Miền Tây, loại bưởi được trồng nhiều là Bưởi Năm Roi và Bưởi da xanh, với vị chua thanh, ngọt và dày thịt.
Và trong cuộc sống hàng ngày, người dân còn sử dụng vỏ bưởi để nấu chè, làm tinh dầu mọc tóc,..
CAM:
Đối với người Miền Tây, cam là một loại trái cây được ép làm thức uống giải khát vô cùng quen thuộc và phổ biến bên cạnh nước mía.
Cam được trồng nhiều ở các nhà vườn với nhiều loại khác nhau như cam mật, cam sành,…
Cam được trồng quanh năm và được bán nhiều ở chợ. Tuy nhiên, do tập tục của người Miền Tây, Cam thường không phải là loại trái cây được ưa chuộng vào năm mới do người dân nghĩ từ Cam giống như cam chịu, nên thay vào đó quýt được dùng nhiều hơn cho ăn uống cũng như cúng kiến.
QUÝT:
Quýt là một loại quả cũng được trồng khá nhiều ở Miền Tây, nhưng khi nhắc đến loại quýt nổi tiếng và ngon nhất ở đây thì không thể nào không nhắc đến Quýt Hồng Lai Vung Đồng Tháp.
Cứ đến độ tháng 12 hằng năm, là hàng đoàn người kéo đến Đồng Tháp để chụp hình cùng những trái quýt căng mọng trên cây và vị thì cũng ngon không kém.
THANH LONG:
Mặc dù không phải là nơi nổi tiếng nhất với Thanh long, nhưng ở Miền Tây Thanh long cũng được trồng nhiều và cũng đem lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân.
Thanh long hiện tại có thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Thanh long ruột đỏ có giá cao hơn vì có vị ngon hơn và còn được dùng để làm màu thực phẩm.
MÍT:
Nhiều người, đặc biệt là người nước ngoài hay nhầm lẫn mít với sầu riêng do vẻ ngoài tương tự, nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì mặc dù cũng có gia ở ngoài những mít ít gai nhọn và ít sần sùi hơn. Đặc biệt, mùi của mít thì có thể làm hài lòng hết tất cả mọi người.
Mít có khi nặng tới mười mấy hai mươi ký và khi gần chín thì mùi thơm tỏa khắp nơi, ở miền Tây có Mít Thái và Mít nghệ được xem là ngon nhất.
Tuy nhiên, ở miền Tây cũng có loại mít tố nữ với hằng trăm trái be bé mọc khắp trên cây, nhìn rất bắt mắt, tuy nhiên ăn lại rất mau ngán.
DÂU:
Dâu hay còn gọi là dâu da, là một đặc sản khác của miền Tây, ở đây có nào là dâu vàng, dâu da xanh, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là dâu hạ châu Phong Điền. Dâu hạ châu có vị chua vừa và có vị ngọt thanh, được xem là đặc sản của miệt vườn Phong Điền Cần Thơ.
VÚ SỮA:
Loại quả gắn với mùa mưa của miền Tây này là một nét điểm xuyết không thể nào bỏ qua khi nhắc đến trái cây miền Đồng Bằng, vơi vỏ ngoài mát lạnh và bên trong ngon ngọt và có chút nhựa (sữa) đã tạo nên sự độc nhất vô nhị cho loại trái này.
Ở Miền Tây khi nhắc đến Vú sữa thì phải nói đến Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, với thịt ngọt dày và vỏ mỏng, luôn được người dân yêu mến mỗi khi tới vụ.
THANH TRÀ:
Thanh trà được xem như là đặc sản của Vĩnh Long, có vị chua đặc trưng và thường được dầm với đường và đá để ăn chơi.
Từ tầm tháng 3 Âm lịch, khi chạy xe từ hướng cầu Cần Thơ sang Vĩnh Long, bạn sẽ bắt gặp nhiều cô bán trái thanh trà ven đường, làm bừng sáng sắc vàng cả một vùng.