NHÀ CỔ BÌNH THỦY - NÉT ĐẸP XƯA CỦA VÙNG ĐẤT TÂY ĐÔ

Nhà Cổ Bình Thủy - ngôi nhà với hơn 100 năm tuổi, mang lối kiến trúc Đông Tây độc đáo của thời kỳ giao thoa giữa hai thế kỷ. 

Ghé thăm Thủ phủ Tây Nam Bộ, vùng đất cây lành trái ngọt, phong phú cá tôm, du khách sẽ không khỏi bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo cùng những dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc mang dấu ấn của xứ sở và con người miền Tây sông nước. Mấy ai ngờ rằng nơi đây tồn tại một ngôi nhà hơn 100 năm tuổi, sở hữu lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của thời kỳ giao thoa giữa hai thế kỷ, và vốn được xưng tụng là một trong 3 ngôi nhà cổ đại diện cho văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. 

Tọa lạc tại số 142/144 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ, nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 10km, nhà cổ Bình Thủy là địa điểm nổi tiếng thu hút du khách muôn phương đổ về, cả trong nước lẫn ngoại quốc đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc sắc của ngôi nhà cổ hiếm hoi mang yếu tố kiến trúc Đông Tây, "nội ứng ngoại hợp" vẫn còn tồn tại nguyên vẹn tại mảnh đất Cần Thơ. Bên cạnh đó, ngôi nhà cổ mang vẻ đẹp tinh tế này còn ẩn chứa những giai thoại đầy bí ẩn, những màu sắc "liêu trai" kỳ bí và phong thủy với truyền kỳ nhờ Lỗ Ban phong ếm ngôi nhà, đặc biệt hơn hết nơi đây còn được chọn là bối cảnh cho những bộ phim mang tầm vóc thời đại tại thời điểm lúc bấy giờ.

I - LỊCH SỬ

Rạch Bình Thủy của làng cổ Long Tuyền thuở ấy vốn là mảnh đất quanh năm tươi tốt, người dân an cư lạc nghiệp. Vùng đất trù phú này được bà con khắp nơi đổ về sinh sống, làm ăn. Vào khoảng cuối thế kỷ XVIII gia tộc họ Dương mà cụ thể là ông Dương Văn Vị (thuộc thế hệ thứ 3) cũng là một trong những số đó khi quyết định chọn nơi đây là chốn định cư, lập nghiệp qua hàng thế hệ.

Vào những năm 1870, ngôi nhà được xây dựng lần đầu với lối kiến trúc sơ sài, chỉ được xây bằng gỗ và lợp ngói, sử dụng cho việc thờ tổ tiên. Nhà thờ dòng họ Dương tọa lạc trên một thửa ruộng rộng khoảng 8.000m2 theo hướng Đông - Tây. Mãi cho đến hơn 30 năm sau, sau khi ông Dương Văn Vị mất, ngôi nhà này được con trai út của ông là Dương Chấn Kỷ, một điền chủ giàu có ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thiết kế và xây dựng lại, tức vào năm 1904, và đến khoảng năm 1911 thì hoàn thiện. Đặc biệt, chính vì lúc bấy giờ gia tộc họ Dương là một gia tộc giàu có, quyền quý, cơ nghiệp phát đạt sau 3 đời theo nghiệp làm thương gia, ông Dương Chấn Kỷ có cơ hội được sang Pháp du học. Nhờ cơ hội được tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây cùng bản chất thông minh, lại có niềm đam mê đặc biệt với kiến trúc, nghệ thuật, và cả phong thủy vốn có, ông Dương Chấn Kỷ đã góp phần xây dựng nên một công trình kiến trúc đặc sắc. Đó là sự kết hợp một cách tài tình, và đầy tinh tế của kiến trúc phương Tây vào linh hồn văn hóa của dân tộc. Sau khi hoàn thành, nhà cổ Bình Thủy được xem là công trình kiến trúc mang dấu ấn của yếu tố phương Đông vừa cổ kính, vừa trang nghiêm, lại hài hòa được nét hiện đại, phóng khoáng, trang nhã của phương Tây, trở thành dấu ấn hoài cổ với lịch sử gần 150 năm nơi dòng Long Tuyền cho đến tận ngày nay.

Những giai thoại bí ẩn về nhà cổ Bình Thủy

Trong quá trình xây dựng ngôi nhà có bề dày trăm năm lịch sử này, có một truyền thuyết ly kỳ được người đời truyền tụng cho đến ngày nay. Đó là giao kèo làm nhà giữa ông chủ Dương Chấn Kỷ với thầy Ba Nghĩa hay Ông Lỗ Ban.

Theo lời đồn đại lúc bấy giờ, gia tộc họ Dương từ khi xây dựng ngôi nhà này đột nhiên làm ăn phất lên "như diều gặp gió”, là bởi vì có một lá bùa Lỗ ban phong thủy được ếm đâu đó ngay trong ngôi nhà. 

Ông Lỗ Ban là danh xưng mà người dân trong vùng đặt cho Thầy Ba Nghĩa bởi ông xây nhà rất đẹp. Nhà của nhiều phú hào giàu có tại mảnh đất này, trong đó có gia tộc họ Dương đều nhờ đến đôi bàn tay của người thợ tài ba này xây dựng mà thành. Ấy thế mà, ông lại được miêu tả là người rất "dị tướng, cao chỉ một thước lẻ mấy phân, xương sống thì cong vòng khiến dáng dấp nhìn nghiêng cứ như một dấu hỏi". Quanh năm, ông chỉ mặc duy nhất một cái quần ngắn bằng lãnh đen, trên đầu chít một chiếc khăn điều đỏ chót. Một cái nẻ mực và một chiếc rìu để đẽo những cây cột lim tròn vành vạnh xây cất nhà là 2 vật bất li thân của ông mỗi khi đi đâu hay làm bất cứ điều gì.

Trong buổi giao kèo với thầy Ba Nghĩa, ông Dương Chấn Kỷ có đưa ra một điều kiện, mà về phía thầy Ba Nghĩa thì đó là điều kiện khó tuân: “Thầy cất nhà cho tôi đẹp rực rỡ hơn người thì khỏi nói nhưng cốt sao khi cất xong tôi phải giàu lên mới được”.

Bởi: "Làm nhà đẹp cho ông không khó nhưng ngặt nỗi cái nghề này, gia chủ giàu thì phần số tôi phải mạt”.

Sau đó, ông Chấn Kỷ phẩy tay rồi nói: “Đừng lo. Tôi đảm bảo với thầy, mỗi tháng tôi sẽ chu cấp cho thầy một đấu gạo với ba cắc bạc cho đến mãn đời”.

Có thể nói, mặc dù, tính thực hư của hợp đồng này vẫn còn nằm trong vòng nghi vấn nhưng việc gia tộc họ Dương phất lên một cách nhanh chóng là điều hiển nhiên mà ai cũng có thể nhìn thấy rõ.

II - KIẾN TRÚC NHÀ CỔ BÌNH THỦY

Nhà cổ Thủy với hơn 150 năm trầm mặc theo bóng thời gian là một trong những công trình kiến trúc hiếm hoi còn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp vốn có của nó dưới sự tàn phá qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Kiến trúc Nhà cổ Bình Thủy là sự kết hợp đầy nghệ thuật, tinh tế những giá trị của văn hóa phương Tây, cùng cái hồn văn hóa dân tộc trong không gian thờ cúng, hoa văn họa tiết trang trí.

Với tổng diện tích khoảng 6.000 m2, có thể nói ngôi nhà cổ độc đáo này tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc phong thủy từ thuở xa xưa trong từng chi tiết xây dựng. Mặt trước ngôi nhà là đường giao thông và sông rạch để đón luồng không khí mát mẻ, trong lành, đây cũng là yếu tố góp phần thuận tiện cho việc di chuyển. Thêm vào đó, ngôi nhà còn được bao bọc bởi khu vườn cây trái và hoa kiểng quanh năm xanh tốt: tùng, dương xỉ, cao, phát tài, sứ,… đặc biệt là những chậu hoa lan và bonsai vô cùng quý hiếm, biến nơi đây vừa mang nét hoài cổ, trang nhã, vừa nên thơ và đầy sự tươi mới.

Nếu nhìn từ bên ngoài vào, bất kỳ du khách nào cũng sẽ cho rằng ngôi nhà bị ảnh hưởng khá nhiều bởi văn hóa phương Tây, nhưng nếu vào sâu bên trong sẽ phát hiện hàng loạt những chi tiết văn hóa dân tộc tồn tại trong ngôi nhà này.

Dãy hàng rào cổng kiên cố bằng sắt chắn ngang có các cột bê tông làm trụ chính, được trang trí họa tiết tinh vi kiểu dinh thự châu Âu, hình cá vàng, kì lân, hoa, lá bằng xi măng được chạm trỗ trên bờ nóc, điểm xuyết trên đầu hồi một cách đầy tinh tế. Vào trong, du khách sẽ bắt gặp một cổng tam quan theo kiến trúc Á Đông, có 4 cột trụ lớn với 2 trụ xi măng và 2 trụ gỗ. Tại đây có gắn hai bảng hiệu lớn, bên trong đề chữ Phủ Thờ Họ Dương, mặt trước là “Phước An Hiệu”. Mái ngói lợp ngói âm dương men xanh, trên cùng được trang trí những họa tiết sống động và độc đáo, hình kỳ lân, cá vàng, hoa lá, 2 mặt bên là hình Lão Tử cưỡi trâu.

Khi bước qua cổng tam quan, du khách sẽ thấy một hòn non bộ lớn khoảng 4m, nằm trong hồ cá thẳng một trục với cửa chính từ đường. Vật này là bức bình phong che chắn cho ngôi nhà khỏi ánh mặt nhòm ngó của người ngoài vào thẳng bên trong. Bên trái nhà cổ có một miếu thờ thổ thần nhỏ, cao khoảng 1m, sơn mà xanh dương, được lợp ngói âm dương, với họa tiết không rườm rà như cổng tam quan. Phía sau nhà cổ có một hồ cá nhỏ, với tượng cá chép ngoi đầu, xung quanh là tượng đất hình con cóc.

Đặc biệt, đặc điểm kiến trúc Pháp độc đáo và đầy ấn tượng được thể hiện rõ qua nền cao hơn mặt sân 0.5m. Đặc điểm khí hậu miền Tây quanh năm vốn hay bị ngập lụt, chính vì thế, việc xây nền cao là yếu tố góp phần tránh những vấn đề ngập nước, cũng như côn trùng và các loài gặm nhắm gây hại cho ngôi nhà. Để bước chân vào được ngôi nhà này, du khách phải bước lên 4 lối cầu thang hình cánh cung, uốn lượn theo kiểu Á Đông (không có cầu thang chính diện): 2 lên thẳng 2 gian ngoài cùng, 2 hình cánh cung dẫn vào gian giữa, được trang trí hoa văn trang nhà và cực kỳ tinh tế.

Mặt đứng từ đường nhà cổ Bình Thủy có 5 gian theo phong cách Tây Âu dùng làm nơi tiếp khách trong các nghi lễ quan trọng, được chống đỡ bởi sáu hàng cột lim đen bóng chạm trổ họa tiết tinh vi.

Toàn bộ gạch bông lát nền, hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên và nhiều vật dụng khác trong nhà này đều là những vật liệu được nhập khẩu trực tiếp từ Pháp về; đóng trần Plafond, trang trí hoa văn...Đặc biệt, tương truyền rằng dưới nền gạch đá hoa được lót một lớp muối hột dày 10cm. Lớp muối này có công dụng chống mối mọt, côn trùng.

“Thủ pháp lót muối dưới gạch bông vừa xua đuổi côn trùng, mang sự thông thoáng ngôi nhà vừa tránh những tà vật xâm hại theo phong thủy. Xung quanh nhà đều là tường gạch, chỉ có những phú hộ giàu có mới xây nhà bằng tường những năm 1900 bấy giờ"

Bước vào trong căn nhà mang lối kiến trúc Đông Tây kết hợp này, du khách sẽ bị thu hút bởi quy luật đối xứng có âm có dương, có tả có hữu, có tiền có hậu đầy tinh tế  trong từng cho tiết trang trí, từng cột trụ gỗ lim, cách bài trí phòng, nội thất. Bên cạnh đó, những yếu tố văn hóa phương Đông được thể hiện một cách rõ nét, điển hình là bàn thờ uy nghi ngay gian giữa vẫn được giữ nguyên lối kiến trúc, bài trí giữ nguyên vẹn nét văn hóa cổ truyền của phương Đông.

Bên trên là bài vị, lư hương, có một bài vị chữ Hán lớn, mang đặc điểm khá giống bàn thờ người Hoa; khánh thờ được sơn son thếp vàng. Khung gỗ được trang trí những họa tiết phượng hoàng, cây hoa vô cùng tinh vi;  giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Đặc biệt, phía dưới ký hiệu chữ Hán có hình một con dơi, vì theo quan niệm xưa, dơi là con vật linh thiêng phù hộ làm ăn, dơi treo ngược sẽ sẽ giống chữ Phúc Đáo cho căn nhà này.

Có thể nói, kiến trúc nhà cổ Bình Thủy mặc dù chịu ảnh hưởng không ít từ văn hóa nghệ thuật của phương Tây, nhưng vẫn giữ được những nét tiêu biểu độc đáo của dân tộc. Khiến kiến trúc nơi đây không bị lạc lõng, mà vẫn dung dị hài hòa tại chốn làng quê thanh bình tại mảnh đất Bình Thủy này. 

III – GIÁ VÉ, GIỜ MỞ CỬA

Địa chỉ: 144 đường Bùi Hữu Nghĩa – phường Bình Thủy – quận Bình Thủy – thành phố Cần Thơ.

Thời gian: 8:00 – 12h00, 14h00 – 18h00 hàng ngày.

Giá vé: 15.000 VNĐ/ người

IV – VƯỜN LAN BÌNH THỦY VÀ NHỮNG CỔ VẬT QUÝ

Đến năm 1980, hậu duệ đời thứ 5 của gia tộc họ Dương là ông Dương Văn Ngôn, vốn là người có thú chơi hoa kiểng, ông đã sưu tầm nhiều giống lan hiếm và nhiều loại hoa kiểng khác nhau từ khắp mọi nơi đem về trồng sau vườn, biến nhà cổ Bình Thủy nhà cổ Bình Thủy trở thành chốn gặp gỡ của những người có niềm đam mê cây cảnh, đặc biệt là hoa lan. Chính vì lý do này, nhiều người dân trong vùng còn gọi nơi này là Vườn lan Bình Thủy. Ngoài ra, việc trồng lan trong nhà còn là một yếu tố thể hiện mong ước về một cuộc sống bình an, hạnh phúc của gia chủ. Tại đây cũng diễn ra nhiều cuộc luận đối bàn thơ của các thi nhân vùng đất Tây Đô, chính vì thế người dân còn gọi nơi là Tao Đàn Năm Ngôn hay Tao đàn ông Ngôn. Đặc biệt, nơi đây còn sở hữu cây xương rồng Mexico Kim hơn 40 năm tuổi cao hơn 10m vô cùng quý hiếm và đặc biệt khó tìm ở Việt Nam.

Vốn vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh về thú sưu tầm đồ cổ qua hàng thế hệ, ngôi nhà của gia đình họ Dương được xem như một một kho cổ vật vô cùng quý giá, phần nào thể hiện mức độ giàu có, sa hoa của một gia đình phú hào đất Bình Thủy, Cần Thơ lúc bấy giờ. Kho báu vật này bao gồm: bộ bàn ghế cẩm thạch, vân xanh có đường kính 1,5m, dày hơn 6cm xuất xứ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc, bộ sa–lông kiểu Pháp đời Louis 15, mặt bàn bằng đá cẩm thạch vân xanh đường kính 1.5 m, dày hơn 6 cm, chùm đèn bạch đằng TK XVIII, cặp đèn treo TK XIX, tách chén nậm trà, rượu đời Minh – Thanh (một bộ trà Tùng Đình, một bộ Ngũ Liễu, chén Tuyên Đức có niên đại cách đây 572 năm, 2 cái lục cao 0.2 tấc đời Thành Hóa 1465), bình Thượng ngọc men xanh cao 1,2m…

V - BỐI CẢNH CỦA NHIỀU BỘ PHIM NỔI TIẾNG

Với giá trị lịch sử cùng kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nhà cổ Bình Thủy được trở thành bối cảnh chính cho nhiều bộ phim vang bóng một thời tại thời điểm này. Người đẹp Tây Đô, Những nẻo đường phù sa, Nợ đời, Bão U Minh, Bẫy ngầm, Đội nữ biệt động mùa thu, Dòng sông hoa trắng, Công tử Bạc Liêu,... là những thước phim kinh điển được quay tại nhà cổ Bình Thủy, lột tả những giá trị văn hóa đặc sắc của xã hội nước ta thời điểm đó và làm say đắm biết bao biết bao trái tim của người con đất Việt bởi cái tình, nét đầm thắm, phóng khoáng đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

Đặc biệt nổi bật trong số đó, phải kế đến tác phẩm điện ảnh nổi tiếng trên toàn thế giới "Người tình" (năm 1992) của đạo diễn gạo cội Jean Jacques Annaud (Pháp) với khả năng diễn xuất tài năng của Lương Gia Huy và Jane March. Khi từ giã đất Cần Thơ về Pháp, J.J. Annaud thú nhận: “Tôi đã choáng ngợp trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây”. Bộ phim là câu chuyện tình không biên giới của một công tử, con của một thương gia giàu có một vùng ở Sa Đéc và tình yêu của mình, một nữ nhà văn người Pháp. Bộ phim đã danh giá trở thành tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh thế giới.

Đến năm 2009, với tuổi gần 150 năm tuổi, phủ thờ họ Dương (Nhà cổ Bình Thủy) được bộ văn hóa, thể thao và du lịch cấp chứng nhận di tích cấp quốc gia. Đến nay nhà cổ Bình Thủy vẫn đang được thế hệ của gia tộc họ Dương giữ gìn tương đối nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Đến tham quan nhà cổ Bình Thủy, du khách sẽ có cơ hội xoay ngược bánh xe thời gian, xuyên không về với bối cảnh của cuộc sống thuở xa xưa, và tìm hiểu về lối kiến trúc đầy tinh tế của một trong ba căn nhà cổ mang đậm dấu ấn miền Tây sông nước. Vết bụi thời gian không thể làm phai mờ những giá trị văn hóa, phong tục tập quán, những giai thoại đầy bí ẩn về cuộc sống của những con người đã sinh sống bên dòng Long Tuyền thuở ấy.