MIỀN TÂY MÙA NƯỚC NỔI
Hằng năm cứ mỗi khi tháng 8 Âm lịch về là con nước lớn từ thượng nguồn sông Mekong cũng bắt đầu đổ về trên 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu, làm cho mực nước dâng cao bất thường cho đến tận cuối tháng 11 Âm lịch và người dân Miền Tây thường gọi hiện tượng này là Mùa nước nổi.
MÙA NƯỚC NỔI LÀ GÌ?
Thông thường khi một nơi có mực nước dâng cao thì người ta thường gọi đó là lũ lụt, nhưng tại sao người Miền Tây lại gọi là Mùa nước nổi? Thực ra việc nước dâng ở hạ lưu sông Mekong diễn ra một cách chậm chạp và dần dần, nó không xảy đến bất ngờ và thường đôi khi không gây ra những thiệt hại đáng kể cho người dân sinh sống nơi đây. Đặc biệt, do địa hình của ĐBSCL là đồng bằng bằng phẳng, trũng và có hệ thống kênh rạch chằng chịt, nên khi nước từ thượng nguồn đổ về thường di chuyển rất chậm và từ 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, nước lớn bắt đầu đổ về các con sông, kênh rạch nhỏ để cân bằng lượng nước lớn đó.
Do đặc trưng nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động gió mùa hằng năm và từ tháng 6 trở đi, gió mùa hoạt động mạnh gây mưa trên diện rộng cho cả khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt từ tháng 8 đến tháng 11 Âm lịch, mưa lớn diễn ra kéo dài ở Thượng nguồn sông Mekong đã cung cấp một lượng nước lớn đổ vào sông và từ đó xuôi về phía Nam làm đầy các con sông, các hồ nước ở hạ lưu. Gần đây, do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời gian chính xác mà con nước lớn đổ về cũng dần khó xác định và thường là trễ hơn so với trong quá khứ.
NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN MÙA NƯỚC NỔI
Mùa nước nổi về đem đến nhiều thuận lợi và cả những khó khăn cho người dân Miền Tây, nhưng nhìn chung lợi nhiều hơn hại.
Nói về thuận lợi, khi lượng nước lớn từ Thượng nguồn đổ vào 2 nhánh sông Miền Tây cũng đồng nghĩa với việc một lượng phù sa lớn cũng trôi xuống cùng. Lượng phù sa sông này chính là nhân tố giúp bồi đắp nên Đồng bằng sông Cửu Long như ngày nay, và để tận dụng lượng phù sa sông màu mỡ này, người nông dân trồng lúa bắt đầu mở đập dẫn nước vào ruộng để trữ phù sa cho vụ mùa tiếp theo. Chính nhờ lượng phù sa này mà sau Mùa nước nổi, cây trồng trở nên sum xuê, năng suất hơn, bằng chứng là Vụ lúa Đông Xuân là vụ lúa “trúng” nhất năm và cây trái cũng ngon ngọt, mơn mởn hơn.
Ngoài ra, con nước về cũng mang theo một lượng lớn sản vật sông nước về theo, đặc biệt là cá tôm. Vào mùa nước nổi, người nông dâm sẽ sắm cho mình những “tay lưới” để giăng bắt cá ở giữa sông, nào là cá trê, cá lóc, tôm sông và đặc biệt là con cá linh - đặc sản mùa nước nổi.
Tuy nhiên, mùa nước nổi đến cũng mang lại nhiều khó khăn cho người dân Đồng bằng. Đầu tiên, nước dâng gây khó khăn cho việc đi lại của người dân trong sinh hoạt lẫn trong công việc, đặc biệt vào những lúc nước lớn cộng thêm mưa, thường gây ngập tại các thành phố lớn như Cần Thơ và các tuyến quốc lộ. Thứ hai, mùa mưa gây ra những lo âu cho những gia đình có con nhỏ khi vấn nạn trẻ em đuối sông xảy ra thường xuyên hơn vào giai đoạn này.
ĐI ĐÂU CHƠI MÙA NƯỚC NỔI?
Nhiều du khách đặc biệt sợ đi chơi vào mùa mưa và mùa nước nổi thì trùng với mùa mưa hằng năm, nhưng không phải vì thế mà đi chơi mùa nước nổi lại kém hấp dẫn. Thật ra, mùa nước nổi là một dịp tuyệt vời để đi tham quan ở Miền Tây, và dưới đây là địa điểm không nên bỏ qua khi tham quan Miền Tây mùa nước nổi.
Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư là một địa điểm nổi tiếng ở An Giang với những rặng rừng tràm rộng lớn và cảnh quan tự nhiên xinh đẹp, và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn đến đây vào mùa nước nổi vì mực nước dâng cao tạo ra một cảnh quan rất khác so với dịp tháng 4 hay tháng 5. Hơn nữa, mùa nước nổi làm cho các cụm bèo tây, bèo cám phát triển và phủ khắp mặt nước khi bạn đang thong dong trên xuồng ba lá để ngắm rừng, đây sẽ là một cảnh tượng tuyệt vời mà bạn sẽ không thể nào quên.
VQG Tràm Chim
Là vườn quốc gia quan trọng của Đồng Tháp và Việt Nam, nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và còn gì tuyệt vời hơn khi ngồi trên những chiếc tắc ráng, phóng mình vào cảnh quan tuyệt đẹp, ngắm nhìn những đàn chim đàn cò và thưởng thức đặc sản Miền Tây mùa nước nổi.
VQG U Minh Hạ: Nếu đã đặt chân đến Cà Mau để tham quan Đất Mũi, bạn cũng không thể nào bỏ qua VQG U Minh Hạ, lá phổi xanh của miền đồng bằng, đến đây vào mùa nước nổi để chiêm ngưỡng sự hùng tráng của cánh rừng tràm U Minh, được nghe những tích của Bác Ba Phi và những chuyện thời xưa lúc “mũi kêu như sáo thổi, đĩa lền tựa bánh canh”.
Các con rạch nhỏ
Khi đến các con rạch nhỏ vào mùa nước nổi, cây trái cũng trở nên xanh tươi hơn, tạo ra bóng mát khi vi vu trên những chiếc ghe trong những con rạch nhỏ. Khi nước lớn, mọi thứ trông thật mát mẻ và yên bình, một khung cảnh nên thơ của miền quê Tây Nam Bộ.
ĂN GÌ MÙA NƯỚC NỔI?
Đến Miền Tây mùa nước nổi, bạn sẽ được thưởng thức những sản vật tươi ngon và vô cùng hấp dẫn. Trước tiên, phải kể đến con cá linh và bông điên điển, con cá linh theo con nước đổ về đầu nguồn sông Cửu Long đem theo sự phấn khởi cho người dân Miền Tây và kết hợp với bông điên điển mọc dại dọc theo bờ sông đã tạo ra biết bao nhiêu món ngon như Canh chua cá linh bông điên điển, Lẩu mắm cá linh bông điên điển, Cá linh kho khóm, Bông điên điển xào tép trấu, gỏi bông súng bông điên điển với tôm sông và thịt ba chỉ,…Biết bao món ngon đang chờ đợi bạn đến thưởng thức và lưu ý hãy đến Miền Tây vào mùa nước nổi để được tận hưởng thiên nhiên xinh đẹp cũng như thưởng thức những món ngon chỉ có ở riêng mùa nước nổi.