Miền Tây - Cần Thơ - Tác Ao Bắt Cá

Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau, cùng lắm thì mình về quê mình nuôi cá và trồng thêm rau.”

Dưới cái nắng hanh hao cháy da cháy thịt giữa lòng thành phố nhộn nhịp, hối hả này, ở nơi mà con người đang ngày đêm trầm mình, vất vả vì cơm áo gạo tiền, nơi mà miếng cơm manh áo đè nặng lên những tấm thân nhỏ bé, những đôi vai gầy gò trơ xương, đang ngày ngày dầm mưa dãi nắng vì hai chữ “mưu sinh”. Có lẽ giờ đây, có một giấc mơ luôn hiện hữu trong tâm hồn mỗi người. Đó là giấc mơ về một thị trấn hoang nằm sâu trong lòng thành phố, nơi có đồng ruộng xanh ngắt, thẳng tắp cò bay, thơm thơm hương lúa mới, nơi có luỹ tre xanh rì rào, nghiêng mình đón gió, nơi có cây cầu khỉ chông chênh, bắt liền đôi bờ đê, nơi có những buổi trưa hè chăn bò trên những triền đê cao, để rồi thảnh thơi, đong đưa mà lặng ngắm bầu trời có dãy mây tím lững lờ trôi, nơi mênh mông sông nước và có những con người nương nhờ dòng sông mà theo nghiệp “hạ bạc”, và nơi có con ao xanh xanh vô vàng tôm, tép, cá lóc, cá rô, cá trê,.. trong những buổi chiều tà tát mương bắt cá.

Có lẽ bạn đã từng nhốn nháo nhìn các cô các chú trầm mình dưới vũng bùn đen mà trong lòng thầm trầm trồ, ngưỡng mộ, rồi phong cho họ cái danh “kiện tướng” khi chứng kiến họ bắt cá lợi hại đến nhường nào, hay những khi tự mình anh dũng ngụp lặn, mặc kệ lấm lem bùn đất và mang về những chiến lợi phẩm vinh danh chiến tích của mình, để rồi no đòn với mẹ cha! 

Miền tây chất phát và mộc mạc, dễ thương dễ gần như vậy đó!

Vậy thì bạn đã sẵn sàng trở thành nông dân để cùng người miền tây về quê trải nghiệm hoạt động tát mương, bắt cá vô cùng thú vị này chưa?

Xuất hiện từ thuở khẩn hoang, khai sông lập ấp, tát mương bắt cá là một cái gì đó mang đậm dư vị và là một trải nghiệm thú vị của miền Tây sông nước. Trong mỗi dịp tết đến xuân về thì hoạt động này trở nên sôi nổi và nhộp hơn, bên cạnh bánh tét, bánh chưng, dưa cà, thịt kho hột vịt thì các món ăn hảo vị từ cá cũng không thể thiếu trong mâm cơm của bà con Miền Tây. Có thể nói, cái ao, cái đìa là nét đặc trưng rất đỗi quen thuộc trong mỗi gia đình miền sông nước. Với một cái gào, hay đơn giản là cái thau, cái thùng, là hai ba người, cả đàn ông lẫn phụ nữ có thể tát nước qua bờ bên kia và cứ thế, hết gào này đến gào kia, tay chân thoăn thoắt, trán thấm mồ hôi là có thể tát cạn cái ao và bước đến giai đoạn của những "võ sĩ đạo" tác nghiệp. Tiếng gào sòng vừa dứt cũng chính là tiếng chuông báo hiệu, tuyên bố bắt đầu cuộc chiến. Cuộc chiến không khoan nhượng và không hồi kết này có phần bất bình đẳng: giữa một bên yếu về sức vóc, nhưng nhiều về số lượng, ranh mảnh, khôn ngoan khéo luồn lách, không bao giờ lộ diện, chỉ dám ẩn mình sau bức màn nhung đen, được mệnh danh là "thánh ăn gian". Bên còn lại tuy có tầm vóc lấn át đối phương, mạnh về tinh thần nhưng cũng đôi lần lao đao về khả năng "an gian" lắm chiêu trò của kẻ địch, nhưng bù lại có một "dàn đồng ca mùa hạ", một đội cổ vũ nhiệt tình là nhóm trẻ con hồn nhiên trong xóm. Hai bên tả xung hữu đột, đánh nhau kịch liệt, nhưng chỉ có một bên "tróc vảy", còn bên kia không hề trầy da xíu nào. Chốc chốc lại có một bên hò hét vì chóp được con mồi, bắt sống được kẻ thủ ác và giam chúng vĩnh viễn trong giàn xông sắt tối tăm với sự hô hò, cổ vũ rầm rộ của nhóm cổ động viên không công. Trường kỳ kháng chiến mới biết chiến tranh là gian khổ như thế nào, phải là các bô lão có dạn dày kinh nghiệm mới có thể xuyên qua các bụi cây, mò kỹ nơi rậm rạp, vào sâu hang động của kẻ địch và tóm được chúng. Sau vài giờ chiến đấu, cuộc chiến tạm ngừng, phần thắng nghiêng về ai thì chắc có lẽ ai nấy đều rõ, đa số kẻ thủ ác đều bị tóm gọn, chỉ còn lại vài tên tiểu tốt để chừa cho bọn trẻ cũng có cơ hội lập công. Bọn con gái giương cặp mắt trầm trồ nhìn đám bạn là con trai của chúng. Được lăn xả trên chiến trường, gươm đao giết giặc, phần mình thì chỉ dám lặng lẽ ngồi xem vì vui giây lát mà về bị no đòn thì thôi rồi! 

Sau khi thu thập chiến lợi phẩm về phần mình, sẽ là giai đoạn tự thưởng của các chiến binh với hàng loạt các món ăn ngon lành từ cá lóc, cá trê, tép bạc,.. mà đặc biệt phải nói đến sau mỗi cuộc chiến là món cá nướng trui mang đậm chất miệt vườn miền Tây sông nước.

Người đâm chén muối, người lấy vài cọng lá quế, người tưng bừng, người hối hả.

Cá không cần làm hay cạo vỏ, chỉ cần cắm thẳng đứng vô một cái cây nhỏ như chiếc đũa rồi đặt dựng đứng xung quanh một đống rơm. Đám lửa hồng phập phồng cháy, mùi cá nướng thơm lừng hòa cùng mùi thơm thoang thoảng của cỏ cây hoa lá. Con cá nướng xong, banh nó ra, thịt chắc nịch và trắng phau, khói nóng lững lờ sốc thơm phức vào mũi, kích thích khứu giác vô cùng. Ăn không hoặc kèm với bánh tráng hay vài cọng rau, chén muối ớt hay mắm me chút chua chút ngọt, thì không còn gì tuyệt vời bằng!

Bên dòng sông biếc, bên cánh đồng xanh, bên ly rượu ấm, chén trà đắng và bên dư vị quê hương. 

Hãy thử một lần quên đi những bộn bề của cuộc sống hối hả, mà tìm đến những điều thanh bình của chốn sông nước hữu tình và cảm nhận nét gần gũi, giản dị của cuộc sống và con người ở đây nhé! 

Và để cảm nhận: 

Là đâu đó giữa chập chùng cỏ và cây kia, ngồi trên đồng ăn cá nướng và trong túi là lon bia!