ĐÌNH BÌNH THỦY – DẤU ẤN HOÀI CỔ

Xuôi về đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất trù phú sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng cùng vẻ đẹp thiên nhiên miệt vườn bốn mùa xanh tốt. Khi dừng chân ghé lại đất Tây Đô, mấy ai ngờ rằng nơi đây tồn tại một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, uy nghi và lộng lẫy được mệnh danh là một kiệt tác bên dòng Long Tuyền. Đấy chính là Đình Bình Thủy hay Long Tuyền Cổ miếu - nơi lưu giữ những giá trị tâm linh độc đáo cùng nét văn hóa tín ngưỡng của vùng đất và con người Cần Thơ từ buổi sơ khai, mở cõi…

1. Vị trí:

Đình Bình Thủy tọa lạc trong khuôn viên cây cối bao quanh rộng gần 4.000m2 tại đường Lê Hồng Phong, thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, và cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng chừng 5 km. Xung quanh ngôi đình này được bao bọc bởi hàng rào tứ giác gồm: mặt Bắc giáp bờ sông Hậu khoảng 200m; mặt Đông là rạch Bình Thủy hay còn gọi là rạch Long Tuyền; mặt Nam là đường Lê Hồng Phong thông với trục gia thông lớn (đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Bùi Hữu Nghĩa) … và mặt Tây là khu dân cư. Theo quan niệm của ông cha ta thuở trước, Đình Bình Thủy là công trình hội tụ đầy đủ các yếu tố phong thủy “nhất cận giang, nhị cận quan, tam cận thị” nhờ vào vị trí đắc địa như hiện tại.

2. Nguồn gốc tên gọi và lịch sử xây dựng đình

Đình Bình Thủy là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mang nhiều lớp niên đại lịch sử khác nhau.

+ Khởi dựng (năm 1844)

Nguyên vào năm Giáp Thìn (1844), nhân dân làng Bình Hưng (tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang) bị một cơn bão lụt khủng khiếp và vô cùng dữ dội đẩy vào tình cảnh lầm than, rơi vào vực thẫm của sự khốn cùng khi phải chứng kiến nhà cửa ruộng vườn tan hoang, cuộc sống sinh nhai bị ảnh hưởng trầm trọng. Thêm vào đó là một số lượng lớn người dân cơ cực bị cuốn vào cảnh không chốn dung thân phải rời bỏ quê hương vườn tược mà sống cảnh tha hương. Về sau, họ tìm đường trở về quê xưa chốn cũ, tìm cách dựng lại ngôi làng tổ ấm năm xưa và không quên lập một ngôi đình bằng tre gỗ, lợp mái lá tại vàm rạch Bình Thủy. Lúc đầu, ngôi đình này thờ Thành hoàng làng với ước nguyện cầu cho mưa thuận, gió hòa, đời sống bà con luôn được hạnh phúc khang an.

+ Lần trùng tu thứ nhất (năm 1853)

Vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), quan Khâm sai đại thần lúc bấy giờ là Huỳnh Mẫn Đạt cùng hạ cấp trong một lần tuần du qua sông Hậu bằng một chiếc hải thuyền. Bất ngờ, gặp phải một trận cuồng phong vô cùng dữ dội khiến mọi người phải một phen kinh hải. Qua quan sát tình hình, ông nhanh chóng hạ lệnh cho thuyền nấp vào cù lao, ngã ba của một dòng kênh đổ và sông Hậu nơi vàm rạch Bình Hưng (nay là Cồn Linh tại Vàm rạch Bình Thủy), nơi có khoảng đất trống và nhiều cây lớn có khả năng chống được gió thổi mạnh để tránh trận cuồng phong ấy. May thay, nhờ đó mà cả thuyền đều được bình an vô sự.

Thoát nạn, quan đại thần Huỳnh Mẫn Đạt và binh sĩ vô cùng mừng rỡ. Thuyền vào bờ, ông và binh sĩ được người dân trong vùng hết mực vui mừng nghênh đón.  Thấy trong làng gần con rạch vừa xảy ra trận cuồng phong có ngôi đình nhỏ thờ thần, ông liên liền dâng lễ lập bàn cúng để tạ ơn thần thánh rồi cùng nhân dân, binh sĩ tổ chức tiệc ăn mừng. Qua tìm hiểu dân tình địa phương , biết nơi đây quanh năm cây trái tốt tươi, dân tình an cư lạc nghiệp, quan Khâm sai đã đặt tên cho vùng đất này là “Thôn Bình Thủy” với ngụ ý là dòng nước bình an.

Sau này khi trở về triều yết kiến vua Tự Đức, ông dân tấu xin ban sắc phong thần “Bổn Cảnh Thành Hoàng” cho thần Thành hoàng làng Bình Thủy vào ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (1852). Từ đó, làng có tên mới là Bình Thủy, và ngôi đình cũng được người dân gọi là đình Bình Thủy.

Khoảng một năm sau khi nhận được sắc phong của nhà vua, ngôi đình bị xuống cấp trầm trọng do vật liệu xây dựng đình lúc bấy giờ chỉ là mái tranh, vách đất. Chính vì thế, nhân dân làng Bình Thủy đã gom góp sức người và của cải cùng nhau xây dựng lại ngôi đình (1853). Lần này, ngôi đình được xây mới bằng gạch, mái ngói và gỗ tốt, phần lợp ngói phía trước đình có thêm nhà võ ca làm nơi trình diễn hát bộ trong các dịp lễ trọng đại. Tại đây, có một sân khấu nhỏ bằng gỗ, là nơi các đoàn hát biểu diễn nhằm phục vụ cho bà con thưởng ngoạn. Sau này, nơi đây còn được nhân dân thờ thêm những sĩ phu có công với nước nhà như: Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập...

 + Lần trùng tu thứ hai (năm 1909)

Đến năm 1904, vị quan tri phủ lúc bấy giờ là Nguyễn Đức Nhuận cùng cai tổng Lê Văn Noãn trong một lần ghé ngang và chứng kiến trình trạng xập xệ của đình Bình Thủy đã đề xướng việc xây dựng lại ngôi đình này ở ngã tư trên sở đất rộng 2,9ha của làng. Việc xây dựng lại ngôi đình được một nghiệp chủ giàu có, được nhân dân hết sức kính mến là La Xuân Thành rất mực ủng hộ. Ông góp tiền của, chỉ huy việc xây dựng, cũng đồng thời kêu gọi mọi người góp công sức trong việc cất lại ngôi đình này. Nhưng chẳng may, quan tri phủ đoản mệnh, việc xây dựng cũng bị đình trệ theo.

Mãi cho đến 5 năm sau đó (1909), ông hương cả Nguyễn Doãn Cung và hương chủ Dương Lập Cang đã đứng ra kêu gọi bà con quyên góp để xây dựng lại đình tại chỗ cũ trước vàm Bình Thủy với số tiền chung là 5.823 đồng Đông Dương. Qua bàn tay thiết kế kỳ công của ông Huỳnh Trung Trinh, ngôi đình được khởi công từ 12-7-1909 qua năm sau thì hoàn thành với diện mạo như ngày nay.

Trong "Cần Thơ xưa và nay" của Huỳnh Minh cũng có ghi chép lại như sau:

"Sau khi đình cất xong, tương truyền trong cuộc lễ cầu cơ tạ ơn thần tại chùa Nam Nhã, các vị thần Đinh Công Tráng, Nguyễn Xuân Quế, Phan Nhựt Vinh, Trầm Hương công chúa, Huệ Cơ công chúa lần lượt giáng đàn, chuyển động cơ bút đề thơ ca ngợi:

Đinh Công Tráng tôn thần xuống bút trước:

Cảnh lịch Long Tuyền khéo sửa sang

Cơ đồ rực rỡ sức Cung, Cang

Thềm soi dáng hổ trương da phụng

Cột trổ vóc rồng lập cánh loan

Huyền võ tàng che chim nghỉ mát

Đàn xà đường lộn khách nghing ngang

Đố ai có biết cơ này hứng

Chén rượu quỳnh tương rót đã tràn

Trầm Hương công chúa tiếp lời:

Bồng lai cảnh lịch ấy đâu là

Cổ miếu Long Tuyền rất khéo chà

Bạch hổ hiên ngoài xem nghều nghến

Thanh Long điện trước khéo lân la

Kìa gương nhựt nguyệt lòa son sắc

Nọ vóc kinh thành rực phấn sa

Một cuộc bồng hồ say cạn chén

Tiếng oanh eo óc thưởng nguy nga."

Đặc biệt, đến năm Mậu Thân (1908), các hương chức hội tề trong làng quyết định đổi tên thôn Bình Thủy thành làng Long Tuyền (riêng tên rạch vẫn giữ như cũ) bởi họ cho rằng rạch Bình Thủy có hình tựa con rồng nằm. Chính vì thế, đình Bình Thủy còn được biết đến với tên gọi khác là đình thần Long Tuyền hay Long Tuyền Cổ Miếu.

Bia công nhận di tích đình Bình Thủy (tên cũ là Long Tuyền cổ miếu) dựng ở sân đình có ghi lại:

Long Tuyền cổ miếu tức đình Bình Thủy ngày nay, đã được vua Tư Đức sắc phong "Thành hoàng Bổn cảnh" ngày 29 tháng 11 năm 1852.

Ngôi đình hiện tại được xây dựng từ 1909. Đây là một trong những ngôi đình lâu đời của Nam Bộ, còn giữ được khá nguyên vẹn ở tỉnh Cần Thơ.

Đình Bình Thủy là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị của dân tộc Việt Nam, nơi sinh hoạt tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân vào những ngày lễ hội truyền thống.

3. Kiến trúc đình

Vốn được xây dựng trên một khoảng đất cao ráo, thoáng  mát rộng gần 4000 m², ngôi đình tọa lạc trên bờ Nam sông Hậu này sỡ hữu lối kiến trúc vô cùng độc đáo, không chỉ thể hiện dấu ấn cổ xưa của một ngôi làng lâu đời tại vùng Tây Nam Bộ, mà còn ẩn chứa những tinh túy trong văn hóa sông nước miệt vườn của mảnh đất Chín Rồng.

Với lối kiến trúc hoàn toàn khác biệt lối kiến trúc ở miền Bắc, đình Bình Thủy mang rất nhiều nét đặc trưng trong thiết kế của miền Tây Nam Bộ,  gồm khu đình chính và khu “lục ấp”.

Khu đình chính được bố cục theo lối chữ nhất, ngoài tiền đình và chánh điện đều có hình vuông, mỗi chiều đều có 6 hàng cột to, trơn, hơi choãi, còn có ba ngôi nhà khác nối hai nhà vuông lại với nhau. Ngôi đình chính là tòa nhà vuông phía trước được xây dựng thông nhau với tòa nhà phụ phía sau theo kiểu dáng năm gian điện thờ và lối “thượng lầu hạ hiên”. Trên nóc trang trí vô cùng độc đáo với cặp rồng uốn lượn theo lối “lưỡng long tranh châu”, hơn nữa các gác mái đình lại bài trí nhiều hình bát tiên, các linh vật như long, lân, qui, phụng… Thêm vào đó, du khách sẽ phát hiện một mảng trang trí đầy tinh tế bằng xi măng bên trái nóc đình. Đó là hình ảnh quyển thư, bên cạnh là giỏ lam đào cùng bình hoa, ốp lá xoài màu xanh đen và ống ngói cũng được bịt lại bằng sành tráng men xanh ở bìa mái ngói dưới cùng, góp phần tạo cho nơi đây mang vẻ đẹp đầy thu hút.

Bên cánh phải từ ngoài nhìn vào đình chính là khu “lục ấp” gồm nhà hát và khu nhà chuẩn bị đồ cúng, vốn là nơi mà dân làng sáu ấp đưa lễ vật đến lễ tế.

Đặc biệt, nội thất của ngôi đình chính tạo nên vẻ nhẹ nhàng, thanh tao khi nối liền các tòa nhà, bàn thờ, các gian thờ bệ thờ lại với nhau. Tại đây, những câu đối liễn, bức hoành phi, các bức võng có đề tài truyền thống như long, phụng, hoa cúc, hoa mai … cùng nghệ thuật khắc chạm gỗ đầy tinh tế, trau chuốt thể hiện qua những mảng chạm, những họa tiết trang trí tinh vi, đầy đặn gần gũi với đời sống và nghệ thuật dân gian cổ truyền đã góp phần tạo nên vẻ khang trang, bề thế, uy nghi và cổ kính cho ngôi đình. Đối với những du khách có niềm đam mê nghệ thuật thư pháp thì đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để chiêm ngưỡng hệ thống chữ Hán đầy thu hút và giá trị trên trên các long bài, bài vị, hoành phi, câu đối tại ngôi đình cổ kính này.

Đặc biệt hơn hết là cách bài trí và sắp xếp các tượng thờ cực kỳ hài hòa và đa dạng, ẩn hiện sự hỗn dung văn hóa cùng sự phóng khoáng của cư dân miền đất này. Ban thờ Nghi Hạ, Nghi Trung ở gian giữa tòa tiền đường, riêng ban thờ Nghi Thượng được đặt ở nhà vuông nhỏ dành cho nghi lễ chính của những ngày lễ hội. Đứng chính giữa quan sát ở tòa chính điện của đình là bàn thờ chính, bên trái sát vách phía ngoài là bàn thờ Hương chức Tiên Giác, phía trong là bàn thờ Hậu tiền. Đối xứng về phía bên phải là ban thờ chức sắc Tiên giác và ban thờ Tiền hiền. Sát vách trong cùng ở gian giữa có ban thờ Hậu thần, hai bên là hai ban thờ Hữu bang và Tả bang…

Ngoài ra, tại bốn góc sân đình, ở gần cổng đình có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, hai miếu khác thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn thủy. Bốn miếu thờ này vừa mang những đường nét mỹ thuật đầy cổ kính, vừa là biểu tượng của đặc thù tín ngưỡng của nhân dân, thể hiện sự đa dạng trong việc thờ phụng từ xa xưa.

4. Hội đình Bình Thủy

Ẩn dưới ngôi đình uy nghi bề thế, mang phong cách nghệ thuật đặc sắc nổi tiếng một vùng này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ tọa lạc tại vùng đất Tây Nam Bộ mà còn là những giá trị văn hóa độc đáo của đất và con người miền Tây.  Đó là những lễ hội lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long: Lễ Thượng Điền và Hạ Điền. Những lễ hội này vốn là phong tục từ thuở xa xưa của đồng bào dân tộc ta, thu hút không chỉ đông đảo người dân nơi đây mà còn khách thập phương, dân làng lục ấp (6 ấp của làng Bình Thủy xưa: Bình Nhựt, Bình Lạc, Bình Thường, Bình Dương, Bình Phó và Bình Yên) về đây tham gia, hành hương, tế lễ.

Theo truyền thống, lễ hội đình Bình Thủy được tổ chức trong khoảng thời gian khác nhau trong năm, nhưng rõ ràng về mặt nghi thức dường như tương tự nhau. Nhưng bởi tính chất quan trọng nên lễ Thượng điền thường được tổ chức lớn hơn lễ Hạ điền.

Lễ Thượng điền được diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/4 âm lịch hàng năm. Lễ hội này cúng Bổn Cảnh Thành Hoàng (hay còn gọi là Thành hoàng làng hay thổ thần canh giữ đất) nhằm cầu cho mưa thuận gió hoà, thuận lợi cho vụ mùa sắp bắt đầu. Lễ hội bắt đầu bằng Lễ đưa Sắc Thần du ngoạn, sau đó là các nghi lễ: Lễ tế Thần Nông, Lễ tế Đinh Công Chánh Tôn Thần, Lễ Thay khăn Sắc Thần, Lễ Xây chầu – Đại bội, Lễ Chánh tế, Lễ tế Sơn Quân…

Lễ Hạ điền được tổ chức các ngày vào ngày 14, 15 tháng chạp, cuối vụ mùa, lúc này là thời điểm lúa chuẩn bị được thu hoạch. Chính vì thế, lễ hội này được tổ chức nhằm mục đích nguyện cầu một vụ mùa bội thu và chim chóc không phá hoại mùa màng. Nghi lễ diễn ra như ngày đầu của lễ Thượng điền: Tế lễ, thay khắn, rước sắc thần, diễn xướng dân gian…

Ngoài ra, lễ hội đình Bình Thủy còn thu hút khách muôn phương bởi những hoạt động vui chơi vô cùng hấp dẫn và đặc sắc. Từ các trò chơi dân gian như chọi gà, thi bắt vịt, kéo co, thi đấu vật, đến nghệ thuật diễn xướng dân gian, triển lãm sách, báo; hội thi mâm xôi nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa bản địa và được thưởng thức nhiều món ngon độc đáo của ẩm thực Cần Thơ.

Có thể thấy rõ, Lễ Thượng điền và Hạ điền là hai nghi thức đánh dấu thời điểm bắt đầu và kết thúc một năm lao động của nền văn minh lúa nước. Đây cũng là dịp củng cố niềm tin về một cuộc sống bình yên, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, gia đạo an khang của cư dân vốn gốc nông nghiệp thuở xa xưa. Qua các lễ hội này, các giá trị văn hóa từ ngàn xưa của cha ông ta truyền lại được bảo tồn một cách rõ nét, góp phần làm phong phú bản sắc dân tộc, vốn được lưu giữ tại vùng đất này từ thuở khai hoang mở cõi.

Được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận “Di tích văn hóa quốc gia” ngày 5-9-1989, Đình Bình Thủy là yếu tố thể hiện rõ sự ảnh hưởng của nền văn minh sông nước nước miền Tây bao đời nay, là dấu ấn đại diện cho văn hóa kiến trúc truyền thống của dân tộc trong những năm đầu thế kỷ XX. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi đình này vẫn giữ nét cổ kính uy nghi vốn có của nó, vẫn là nơi lưu giữ những giây phút tâm linh trầm mặc về một thời xa xưa, và lẫn là nơi cần được thế hệ mai sau tiếp tục lưu giữ, bảo tồn ngôi đình làng ở nơi tiền nhân đi mở cõi…