NGƯỜI ĐƯA ĐÒ SÔNG HẬU

“Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

Trích “Đất Nước” – Nguyễn Khoa Điềm

Luôn có những cuộc đời thầm lặng đóng góp những điều nhỏ nhoi để làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tri ân những con người lặng lẽ đó qua câu thơ “không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ đã làm ra Đất Nước”. Bao lớp người nằm xuống và cũng ngần ấy lớp người đi lên, họ đã và đang đi qua cuộc đời này trong âm thầm lặng lẽ và góp những thanh âm nhỏ bé để tạo nên bản hòa ca mang tên “Đất Nước”. Những điều nhỏ bé ấy có thể là hình ảnh cô bán xôi vẫn thấy ở góc đường, 2 mẹ con cô bán vé số dắt dìu nhau lướt qua trước ngõ dù nắng hay mưa, chú xe ôm đậu ở ngã 3 chờ khách hay bác hàng xóm lâu ngày về quê mới gặp. Và từ trăn trở đối với những cuộc đời thầm lặng đó, dự án “Người Miền Tây” được ra đời với hy vọng thể hiện nhiều hơn sự tri ân đối với những con người “không ai nhớ mặt đặt tên” đó, và phần nào giúp cho mỗi người trong chúng ta biết quý trọng hơn những điều giản dị và gần gũi trong cuộc sống hằng ngày mà đôi khi ta vô tình không để tâm tới.

Trong số đầu tiên của tuyển tập bài viết về chủ đề “Người Miền Tây”, chúng tôi – nhóm truyền thông Hieutour Co., Ltd xin phép được giới thiệu một nhân vật đã gắn bó cả cuộc đời mình ở mảnh đất Tây Đô này. Cô chỉ đơn thuần là một người đưa đò, dành cả cuộc đời mình với cái ghe, dòng sông và con nước. Cô đại diện cho những những người Miền Tây chất phác, lam lũ, quanh năm bận lo toan với việc đưa người qua bên kia sông và chúng tôi xin được gọi cô là “Người đưa đò sông Hậu”.

Cô tên là Tây, tên đầy đủ là “Nguyễn Thị Tây”, hay người ta cũng gọi cô là cô Sáu như cách thường lệ mà người Miền Tây hay gọi người lớn tuổi. Là đứa con thứ 5 trong một gia đình có 12 anh chị em, cả cuộc đời cô Tây gắn với Khu Xóm Chài nghèo khó, một hình ảnh đối lập với Bến Ninh Kiều xa hoa ở bên kia sông, biểu tượng của Xứ Cần Thành. Cô tâm sự rằng năm nay cô cũng đã 57 tuổi và gắn bó với nghề đưa đò từ năm cô 16, như vậy tính đến nay cô đã dính chặt với chiếc ghe và con nước cũng hơn 40 năm rồi. Trong 40 năm đưa đò đó thì 25 năm đầu cô chủ yếu chèo tay và việc chạy máy thì cũng chì hơn 15 năm đổ lại đây. Có thể nói, hình ảnh cô Tây từ những ngày đầu chèo đò cho đến lúc chạy đò với động cơ máy cũng phản ánh phần nào sự phát triển của Cần Thơ nói chung. Cô bắt đầu một ngày làm việc của mình từ tờ mờ sáng trước khi mặt trời mọc và cũng kết thúc một ngày dài khi mặt trời cũng đã đi ngủ từ lâu. Ban đầu cô chỉ đơn thuần đưa khách sang sông, rồi dần dần khách thập phương từ xa tới đến Cần Thơ để thăm chợ nổi, thì cô cũng bắt kịp với xu hướng này và bắt đầu đưa khách đi xa hơn đến thăm chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, cồn Ấu, các con rạch nhỏ hay các vườn trái cây. Cô tâm sự rằng việc đưa khách du lịch đi tham quan chợ nổi đã giúp cô cải thiện thu nhập nhiều hơn trước, so với việc chỉ đưa khách sang sông, nhưng cô cũng chia sẻ rằng “chở khách du lịch về thì cũng hông nghỉ được, chiều cơm nước xong cũng phải lật đật xuống bến đưa người ta qua sông, quen rồi con ơi!”. Cô nói rằng chở khách du lịch đi chơi thì cực hơn việc đưa đò, nhưng vui vì “mình đưa người ta đi thăm quê mình, rồi còn được gặp người ở xứ khác vô, với gặp mấy người Tây nữa”. Cô nói cô đâu có biết tiếng Anh gì đâu, chỉ biết “chỉ trỏ cho người ta hiểu, còn người ta hiểu hông thì hông biết”, nhưng đi riết rồi cũng học lóm được vài từ, cô nói “học để có gì hay cũng biết nói cho họ nghe, chỉ trỏ hoài thì cũng kì, cô mà trẻ hơn là cô đi học thêm để nói luôn”. Có một lần tình cờ chúng tôi lưu lại khoảnh khắc cô Tây và hướng dẫn viên tiễn khách nước ngoài sau khi kết thúc chuyến tham quan và họ vui vẻ chụp hình cùng nhau, trao nhau những cái ôm, cái chào tạm biệt, những khoảnh khắc thân tình ấm áp đó làm cho chúng tôi phải mỉm cười. Hình ảnh của cô Tây bây giờ không chỉ còn là hình ảnh một người đưa khách qua sông, mà bây giờ đã trở thành hình ảnh mà người ta sẽ nhớ tới khi nói về du lịch Cần Thơ.

Trong hơn 40 năm đưa đò, cô Tây cũng có nhiều kỷ niệm, cả buồn lẫn vui, với khách đi đò và cũng là từng ấy năm cô chứng kiến sự thay đổi trên quê hương mình. Cô chia sẻ rằng Cần Thơ bây giờ phát triển hiện đại lắm, đường sá cũng rộng đẹp, nhưng “thấy không vui bằng hồi trước”. Ngày trước chợ nổi Cái Răng và Phong Điền “xôm tụ” và đông đúc lắm, người ghe tấp nập ngược xuôi, còn bây giờ chỉ còn lác đác vài ghe và chợ Phong Điền chừng vài năm nữa chắc cũng không còn. Hồi trước Bến Hàng Dương với chợ Tân An cũng đơn sơ, bến bãi đường sá cũng nhỏ nhưng vui hơn bây giờ, bây giờ “có nhiều đèn, nhiều người, nhiều quán xá hơn, nhưng cô thấy không còn không khí như trước nữa!”.

Như những con người bình thường khác, cô Tây cũng có những mong muốn riêng cho bản thân mình. Cô tâm sự rằng chắc cô không bỏ nghề đưa đò được, không đưa đò thì cô không biết làm gì bây giờ, nên chừng nào còn làm nổi thì cứ làm. Và từ khi mà chuyến phà Xóm Chài đi vào hoạt động thì số lần đưa người qua sông của cô cũng dần thưa hơn, phà chở nhiều người hơn, cả người lẫn xe máy nên chỉ còn những người có việc cần đi gấp mới đi trên chiếc ghe nhỏ của cô thôi. Cô nói “còn người cần qua sông thì cô vẫn sẽ đưa thôi. Bây giờ, cô chỉ mong sẽ sớm có đủ tiền xây được một căn nhà khang trang làm chỗ che mưa che nắng, cô nói mấy năm trước nhà cô bị cháy, cô cũng mất một phần tài sản, “ở nhà lụp xụp cũng sợ lắm, nhưng biết sao giờ, ráng làm vài năm nữa xây nhà mới ở cho khỏe”. Hiện tại, cô đang sống chung với em gái mình và em cô cũng là một người đưa đò qua sông khác. Có thể nói, dòng sông, bến nước, con đò đã thành một phần không thể tách rời với cô và dòng sông Hậu êm đềm đã và đang chở những nỗi niềm và ước mơ của cô vươn xa hơn, đến với một chân trời tươi sáng.

Những con đò sẽ vẫn đưa khách sang sông và người đưa đò sẽ vẫn lặng thầm khua mái chèo đôi trên dòng sông Hậu.