LÀNG TRẦU VỊ THỦY HẬU GIANG
Tọa lạc trải dài trên 2 ấp - ấp 5 và ấp 7 của xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, có một làng trầu đã tồn tại gần trăm năm nay và là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương của hơn 200 hộ dân. Lá trầu
Theo lời kể của người dân địa phương thì không rõ chính xác vào thời gian nào mà người dân ở xã Vị Thủy lại bắt đầu trồng trầu, nhưng ước đoán thì cũng đã gần một trăm năm. Từ xưa thì chỉ có một vài người địa phương lấy những giống trầu lá vàng về trồng để dành ăn và để bán cho những người ở xóm, rồi dần dà người ta thấy giống trầu này ăn ngon và dễ bắt dây mới nên những người xung quanh thấy vậy mà trồng theo. Dần dần theo năm tháng từ vài hộ sang vài chục hộ rồi cuối cùng thành cả một làng gần 200 hộ cùng nhau trồng giống trầu lá vàng nức tiếng miền Hậu Giang.
Từ đó đến nay cũng đã được hơn 3 đời nối tiếp nhau. Người dân kể rằng, thời kỳ thịnh vượng nhất của làng trầu là vào cuối những năm 70 và suốt những năm 80 của thế kỷ trước, vì lúc đó có một người dân trong làng hay đi qua Campuchia để buôn bán lá trầu cho dân nước bạn và lúc đó việc “xuất ngoại” trầu đã cải thiện đáng kể đời sống của cư dân địa phương những năm sau khi bị chiến tranh tàn phá.
Để trồng trầu được ngon thì người dân phải ủ bằng phân hữu cơ, không được dùng phân hóa học, vì như vậy lá trầu sẽ không được mướt và có màu vàng óng ánh. Với những đọt trầu khỏe thì người dân sẽ lấy chôn xuống đất cho bén rể rồi sau đó đem quấn lên cọc để ra dây mới. Những cây cọc dùng cho dây trầu quấn lên thường là cọc cây tràm vì nó giúp dây trầu bám chắc và phát triển tốt hơn. Thường thì mỗi vườn trầu sẽ có một lớp vải mùng bao ở trên để thuận lợi cho việc tưới tiêu và phần nào tránh ánh nắng quá mức. Sau khi bén rể cho tới lúc lá trầu sẵn sàng thu hoạch được thì cũng tầm 3 tháng và từ lúc đó thì mỗi dây trầu sẽ được hái lá trong vòng một năm trước khi được thay bằng dây trầu mới. Những lá trầu được thu hoạch sẽ nhìn rất mướt, có màu vàng nhạt và có vị thì cay nồng đặc trưng.
Với hơn 200 hộ gia đình cùng nhau trồng trầu trên một diện tích hơn 32 ha đã tạo nên một ngôi làng xanh mát với những dây trầu quấn quanh những cây cột gỗ và đã giúp cải thiện kinh tế của người dân nơi dây. Người dân ở đây cho biết trồng trầu thu nhập ổn định và tốt hơn trồng lúa nhiều, người dân thu hoạch và bán sỉ trầu hằng ngày nên cuộc sống được xem là khấm khá. Trước dịch bệnh covid 19, làng trầu cung ứng nguồn trầu tươi mỗi ngày đến các thương lái và công ty xuất khẩu lá trầu tươi sang các thị trường nước ngoài như, Trung Quốc, Đài Loan và quốc gia Ấn Độ. Những ai mua lẻ thì được bán theo ốp trầu, mỗi ốp gồm 40 lá, còn những lái buôn thì cân trầu theo ký. Một hộ có thể thu hoạch và bán hơn 100 kg trầu mỗi ngày. Những đứa trẻ con cũng kiếm được tiền quà vặt bằng việc đi hái lá trầu thuê. Ở đây, từ lớn đến bé ai cũng đều rành rọt về phương pháp trồng trầu, và vì vậy có thể xem trầu là một phần văn hóa đặc trưng của nơi đây.
Hình ảnh lá trầu ở nơi đây gợi lên nét đẹp của vùng quê Nam Bộ với hình ảnh bà nội, bà ngoại đang ngồi tỉ mỉ têm vôi lên lá trầu, rồi từ từ dầm trái cau vào ống ngoáy rồi ngoáy cau trầu và động phộng để hòa quyện và tạo nên một món ăn chơi quen thuộc của người Việt xưa. Đâu đó câu hát trong bài Nội tôi lại văng vẳng và khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng khi nhớ về quê hương:
"Chiều nay con nhớ
Nhớ sao nội tôi hiền hòa
Nội cười móm mém yêu thương
Nội ngồi tay ngoái cơi trầu
Nhắc thằng Hai nhỏ
Đã lâu lắm rồi sao không về thăm quê"
Mặc dù hiện tại không còn nhiều người duy trì việc ăn trầu như các cụ ngày xưa, nhưng lá trầu vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam nói chung. Lá trầu và trái cau vẫn là những thứ không thể thiếu trong nhiều dịp quan trọng của người Việt như cưới hỏi, sinh đẻ hay cúng dường ở chùa, đình, miếu, mạo. Vì vậy, lá trầu sẽ vẫn luôn tồn tại với người Việt vì nó là một phần không thể tách rời trong văn hóa và đời sống tinh thần của dân tộc ta. Nêu lên giá trị của sự yêu thương và gắng kết.
Trong tương lai, nếu được sự đầu tư và quan tâm nhiều hơn từ các hãng lữ hành cũng như từ chính quyền địa phương, làng trầu Vị Thủy sẽ có nhiều bước chuyển mới khi trở thành một điểm tham quan du lịch tiềm năng, điểm check-in siêu chất, từ đó sẽ càng giúp cho người dân có thu nhập tốt hơn từ chính cây trầu của mình.