Lễ Chùa Ngày Tết - Nét Tín ngưỡng độc đáo của đồng bào dân tộc Việt

Hoà cùng âm thanh ngân vang, tưng bừng của khúc ca mừng xuân, hoà với tiếng xác pháo rộn rã trong những những dịp Tết đến xuân về, trong khoảnh canh giao thoa giữa năm cũ và năm mới này, con người ta nô nức đi lễ chùa và hái lộc đầu năm. 

Nhất niên chi kế tại ư xuân, nhất nhật chi kế tại ư dần.

Một năm lo liệu từ xuân, một ngày tính toán từ Dần tính ra.

Trong một năm mùa xuân là mùa khai hoa của cảnh sắc đất trời, và đi lễ chùa là tục lệ không thể thiếu cũng là nét đẹp văn hoá đã ăn sâu bám rễ trong mọi giai tầng của xã hội người Việt. Về với cõi Phật không chỉ để cầu mong những điều an lành, hạnh phúc, những điều may mắn và gột rửa những ưu phiền luôn bám víu đeo đẳng mãi chẳng chịu buông, mà về với cõi Phật còn để tìm về với thế giới tâm linh, với sự lắng đọng và tĩnh mịch của tâm hồn trong không gian bốn bề nhang khói nghi ngút của chốn liêng thiêng nơi Đức Tin ngự trị. Những người theo đạo đến vãng cảnh chùa, có người cầu tài lộc, tình duyên, hay bình an hay “vạn sự hanh thong” cho gia đình và bản thân, cũng có người với ý niệm giản đơn, đến để tìm lấy bình yên, sự tự tại trong tâm trí, lắng nghe giáo lý nhà Phật mà chuyển hoá thân tâm. Đối với nghi lễ khi bước vào cõi tĩnh tại này, Phật tử chỉ cần chuẩn bị “hoa trang nghiêm, quả tinh khiết”, đặc biệt không mang đồ mặn hay những thứ vướng bụi trần vào chốn trang nghiêm. Lời khấn cần thành tâm, không nhất thiết phải chú trọng văn vẻ hay sớ bằng chữ nho, có vần có điệu, âm vực trầm bổng, khấn nghe như thơ như nhạc ngân nga như theo phong tục của người miền Bắc. Hơn hết là lòng thành kín, thành tâm nguyện ý vào Đức Tin. 

Sau khi viếng chùa, người Việt còn đi hái lộc, những cây con mới nhú có sức sống tươi xanh, dẻo dai mang ý nghĩa may mắn và hạnh phúc. Theo quan niệm xa xưa của người Việt, đa, xanh, si,… sẽ là những lộc xuân mang lại kết quả tốt đẹp, tùng, cúc, trúc, mai,… mang lại niềm vui và sức khoẻ cho gia chủ và các thành viên trong gia đình. Nhưng hái lộc sẽ không đồng nghĩa với tàn phá thiên nhiên, nên việc giữ gìn cảnh quan khuôn viên chùa là hết sức cần thiết bởi thiên nhiên, cây cỏ là báu vật của tạo hoá, là gam màu tươi xanh bao trùm sự sống này. 

Đến với không gian của những chốn linh thiêng này, Phật tử sẽ sẽ bước qua những tảng đá phủ lớp bụi rêu phong của thời gian và bước vào thế giới tịch phong của cõi Phật. Tại đây, con người một lòng hướng về của Phật, ở đây không phân biệt nam, nữ, giàu nghèo, giai cấp hay tầng lớp, mà tất cả đều một lòng hướng đến nét đẹp tâm linh, gặp nhau ở miền tâm thức thiêng liêng. 

Cuộc sống mặc dù có hối hả và đầy những bộn bề nhưng hướng đến thế giới tâm linh, tìm về với thế giới linh thiêng vẫn là một nét văn hoá đáng được trân trọng và gìn giữ, nơi đó ta mang những mong ước cá nhân, những điều ước tốt đẹp đến nơi Đức Phật và mang nó đến gia đình, người thân và bạn bè. Chính vì thế, văn hoá lễ chùa ngày Tết sẽ mãi là nét chấm phá, nét đẹp văn hoá đáng tự hào cần lưu giữ trong văn hoá ngày Tết của đồng bào và dân tộc Việt ta