Tết Miền Tây

Tết vốn là truyền thống văn hóa mang đậm chất cổ truyền và là dư vị không thể thiếu của mỗi người con đất việt. Mâm cơm ấm cúng ngày Tết có lẽ là món quà mang ý nghĩa thiêng liêng nhất đối với những người con xa xứ, những số phận tha hương cùng cực nơi đất khách quê người. Miền Tây là mảnh đất nuôi dưỡng và ấm ủ bao tôi và bao thế hệ nên người, cũng chính là mảnh đất làm trái tim tôi ngân vang khúc ca trong ngần và gợi lên bao ý niệm muốn gắn bó với nơi này đến cuối cuộc đời. Tết Miền Tây đặc biệt bình yên và giản dị như hơi thở những con người ở đây.

“Tết năm nay! Xuân năm này! Nào ta về ăn Tết miền Tây”. Hãy cùng tôi trôi theo dòng chảy mà trở về với Tết miền Tây, Tết của những nét văn hóa miền sông nước.

Đất trời chập chờn thay màu áo mới, ông mặt trời thôi buồn thức giấc vẫy chào ánh nắng mai, tưới những tia nắng chan hòa, ấm áp nhất cho vạn vật, cho đất trời. Không khí vui tươi, nhộn nhịp  tràn ngập từ đầu nhà đến cuối ngõ, lôi kéo cả lũy tre đầu làng nghiêng mình rợp bóng, lay dòng sông cuối xóm hối hả xoáy những dòng nước bạc. Vào mỗi dịp Tết đến, ghe tàu từ khắp nơi đổ về chồng chềnh ngược xuôi, buôn bán tấp nập, chở đầy những giỏ hoa rực rỡ và cả những món hàng thiết yếu trong ngày Tết như: mứt Tết, hoa quả, vải vóc,.. cho bà con trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị cho một cái Tết an lành. Người buôn kẻ bán, người mặc cả, kẻ ngã giá cười nói xôn xao, rộn ràng và tưng bừng, kín cả một khúc sông. Muôn hoa đâm chồi nảy lộc, rực rỡ hứng trọn mầm sống nhờ bóng dáng thiết tha, yêu kiều của nàng xuân ghé thăm. Những chiếc ghe tàu chở đầy hoa thơm cỏ lạ mang đầy hương sắc, tô thắm cả một khoảng trời xuân. Hãy thử nhắm nghiền mắt lại và tưởng tượng, bạn đang lên đênh trên chốn sông nước này, hương thơm thoang thoảng của thiên nhiên từ từ mơn man, len lỏi vào mũi, bên tai bạn là tiếng tiếng nhịp chèo khua nước của chiếc thuyền nhỏ chồng chành, là tiếng cười nói, buôn bán mải mê của những con người giản dị mộc mạc đất miền Tây này, cơn gió xuân lành lạnh chạm vào da mặt bạn, mân mê những loạn tóc bồng bềnh của bạn trong không gian sông nước mênh mông, miệng bạn thì chắc hẳn đang mỉm cười và hứng trọn những giọt xuân len lỏi tận sâu cõi lòng. Và trước mắt bạn là cả một trời xuân, bạn sẽ lạc vào thế giới mơ mộng đầy màu sắc của các loại kỳ hoa dị thảo, là cúc trắng, vạn thọ, hay đóa hoa mai vàng rực. Hoa mai vàng năm cánh mỏng manh phấp phới bay trong gió, loài hoa làm bức tranh của đất trời phương nam thêm phần rực rỡ và huy hoàng. Hoa mai kiêu hãnh khoe mình trong ánh nắng, thấm đẫm vào từng hơi thở, từng khoảnh khắc, đánh thức khát vọng mùa xuân trong lòng mỗi con người. Là ánh nắng ấm áp của mùa xuân làm những cánh hoa thêm rực rỡ hay chính những đoá hoa này làm bừng sáng cả không gian?

Tết là không gian xum vầy, là dịp để con cháu trở về hiếu kính, đoàn tụ với gia đình sau một năm ròng vất vả ngược xuôi, nhìn lại những chuyện cũ đã qua và chúc nhau an khang thịnh vượng và những điều tốt đẹp nhất trong năm mới Tết đến. Trong không khí se se lạnh này, cùng nhau ngồi dưới quây quần bên bếp lửa chập chờn sương khói, tận hưởng mùi thơm hương nếp mới của nồi bánh tét nghi ngút khói và chờ đợi khoảng khắc giao thừa thiêng liêng. Bánh tét được gói bằng lá chuối, bên trong là nếp, chuối, hay đậu và thịt mỡ. Màu xanh của đòn bánh tét, vị ngọt cùng vị dẻo của nếp, vị béo của của thịt mỡ hòa quyện vào nhau, vốn là món ăn luôn hiện diện trong danh sách những hương vị ngày Tết của quê hương miền tây. Trong dịp Tết, món thịt kho trứng, khổ qua dồn thịt, củ kiệu dưa hành rất ư quen thuộc, rất ư dân dã này, nhưng ý nghĩa của nó lớn lao biết nhường nào. Có lẽ qua những món ăn bình dị ta phần nào hiểu được khát vọng về một cuộc sống tươi sáng, bớt khó khăn cơ hàn, ít nhọc nhằn khổ cực của mỗi con người.

“Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Đến với ngày Tết miền Tây, là tìm về quê hương, tìm về với tổ tiên, và với những người mình kính trọng nhất. Con cháu đến nhà nội nhà ngoại và mang những lời chúc chân thành ấm áp nhất đến những đấng sinh thành của cha mẹ mình cũng như họ hàng thân thít. Chắc hẳn ai cũng sẽ nhận được những câu nói rất đỗi quen thuộc “Cháu nay lớn quá, Càng lớn càng đẹp trai/đẹp gái”. Ở nơi miền sông nước lênh đênh này, người ta luôn muốn đóng gói những món quà mang giá trị tinh thần này trao tặng đi muôn nơi, ban phát và trao tặng nụ cười mà không cần bất cứ sự trả công nào. Theo quan niệm dân gian, mùng một Tết cũng là ngày dòng người nối theo dòng người xuất hành đến chùa cầu xin phước lành, những điều tốt đẹp về cho cả nhà và họ hàng thân thít. Bao lì xì đỏ thắm là món quà thay cho tình thương yêu, nâng niu của người lớn dành cho trẻ nhỏ, mang ý nghĩa bình an và cũng một phần thể hiện nét văn hóa người việt. 

Về miền tây ăn Tết, trải nghiệm hương vị ngày Tết để thấy Tết ở đây không xa hoa lộng lẫy, không khói lộng trời hoa mà ở đây rất đỗi bình dị và thân tình. Về miền tây ăn Tết để được thưởng thức những không gian văn hóa ngày Tết ở miền sông nước, về với chiếc ghe con tàu và xuôi theo câu chuyện ngày Tết của bà con ở đây. Về đây để được gặp tận mặt, nếm tận tai những món ngon gần gũi và bình dị nơi miền dân dã. Và về để tận hưởng khoảng khắc ấm áp và nguyện cầu một năm mới an lành cùng với những con người đáng quý đáng trân trọng nơi cuối miền tổ quốc.