SỢI HỦ TIẾU - ẨM THỰC VIỆT

Ẩm thực là nét văn hóa được hình một cách tự nhiên trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Việt. Ẩm thực Việt có sự khác biệt giữa các vùng miền, trong mỗi một vùng miền trên dải đất hình chữ S này lại có những món đặc sản riêng biệt không thể hòa lẫn, pha trộn vào đâu được.

Trong đó phải kể đến Hủ tiếu, một món ăn vô cùng nổi tiếng và được nhắc đến như một món ăn vang danh thiên hạ, mỹ vị của người Việt. Qua những đôi bàn tay tài hoa, nghệ sĩ của người Việt, hủ tiếu ngày càng trở thành một món ăn tinh tế, ngọt ngào, thanh tao và đậm đà ý nhị và vô cùng phổ biến tại vùng đất phương Nam.

Để làm ra những sợi hủ tiếu thơm ngon và mang hương vị đặc trưng của vùng đất Tây Nam Bộ, người thợ phải có một tài nghệ tuyệt vời với những kỳ công và kỷ năng điêu luyện trong từng giai đoạn. Có thể nói, khâu chuẩn bị bột làm bánh là khâu quyết định đến chất lượng của sợi hủ tiếu và cũng là linh hồn của những sợi bánh vừa tươi ngon, vừa dẻo dai và thơm lừng mùi vị đặc trưng. Sau khi những hạt gạo trắng nõn, thon dài được tinh cẩn chọn lựa, chúng sẽ được ngâm nhiều giờ, mang đi xay nhuyễn thành bột.

Thứ bột mịn màng này được tráng thành từng lớp dày mỏng qua sự khéo léo, kỳ công của những người thợ lành nghề, rồi được mang vào lò hấp để bánh chín dưới tác dụng của hơi nước. Ngày nay, tuy có sự ra đời của những trang thiết bị tiên tiến hiện đại, nhưng những giai đoạn đòi hỏi sự khéo léo tinh tường trong khâu múc bột xoay đều lên mặt khuôn, để bánh không bị rổ hay dày mỏng không đều này vẫn cần đến bàn tay thủ công của người thợ. Đó là nét độc đáo của những làng nghề truyền thống cần được duy trì để góp phần cho ra đời những sợi hủ tiếu mềm, dai và giữ được vị ngọt thanh tao của sợi hủ tiếu gia truyền.

Sau khi tráng bánh kỷ lưỡng và kỳ công, tấm bánh được vớt ra vỉ và được xếp trên nan tre, đảm bảo bề mặt láng mịn, không có đốm nổi và sau đó mang ra phơi trực tiếp dưới ánh mặt trời trong suốt 3 đến 4 tiếng. Ngoài ra bằng những sáng tạo trong lao động, người thợ còn cho ra đời những sản phẩm hủ tiếu nhiều màu sắc với những nguyên liệu sẵn có tại địa phương và gần gũi với thiên nhiên, nhưng lại không hề kém vị mà ngược lại rất thu hút và giữ được nét đặc trưng của hương vị truyền thống.

Những người thợ với đôi bàn tay cần mẫn, nét lao động hăng say và đầy sáng tạo qua những giọt mồ hôi thấm đẫm trên khuôn mặt đã dạn dày sương gió, bên bếp lửa hun hun hút khói và bên lò bánh nồi bánh nghi ngút hơi nước bốc lên và bên từng tia nắng vàng xuyên qua từng lớp bánh, ta mới cảm nhận được một vẻ mộc mạc mang nét truyền thống nơi Miền Tây hiếu khách và đậm nghĩa tình này.

Ẩm thực là một trang vở đầy màu sắc, nổi bật với những món ăn mang đậm hương sắc của mỗi vùng miền. Trên trang vở ấy, bức tranh mang những màu sắc đặc trưng món hủ tiếu là phong nền của cốt cách, linh hồn ẩm thực Việt Nam. Những sợi hủ tiếu qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân như một nét chấm phá của bản hòa tấu phong vị ẩm thực Việt, đậm đà vị dân tộc và không thể xóa nhòa.