Về Miền Tây

Miền tây đẹp lắm bạn ơi,

Vựa cây, vựa cá gọi mời lãng du ’’

Miền Tây vốn là miền đất được được bàn tay của bà mẹ thiên nhiên ôm ấp, và ưu ái ban tặng những sản vật trù phú, là hoa thơm cỏ lạ, là cá ngọt quanh năm, tiềm tàng theo dấu chân thời gian. Mảnh đất này đã biết bao lần làm xao xuyến trái tim người lữ khách bởi cái đẹp, cái tình, nét giản dị, vẻ mộc mạc vốn có của nó. Chính bởi không gian sông nước tĩnh lặng trong một buổi chiều tà, những món ăn thơm thảo qua bàn tay gầy gò rám nắng mà chan chứa cái nghĩa, cái tình của những con người lam lũ bên miền sông nước hay chính những con người mộc mạc, sống lênh theo cái nghiệp hạ bạc ấy, mang hơi thở của hình hài xứ sở, mà hóa thân thành vẻ hữu tình, thắm ý đến say đắm lòng người ở vùng đất Chín Rồng này.

Về Miền Tây để thử một lần thả hồn phiêu dạt về với tuổi thơ êm đềm, về với những điều bình yên và ngọt ngào nhất!

Không phải là chốn phồn hoa, nơi kinh đô tráng lệ, cũng không phải là nơi sương mù bũa giăng kín lối, nơi ánh sáng bốn bề hội tụ, mà đây chỉ là nơi sông nước miệt vườn còn nguyên sơ vẻ mộc mạc, bình dị của thiên nhiên cây cỏ.

bằng lòng đi em về với quê anh, một cù lao xanh một dòng sông xanh… Đóa hoa tím trôi líu riu, dòng sông nước chảy líu ríu ”.

Miền Tây là quê hương anh, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mài giũa và nuôi dưỡng tâm hồn anh, cũng là nơi cù lao mênh mông sông nước nhưng đó cũng là nơi nghĩa tình tươi đẹp.  

Về đây để thấy nơi nắng nứt khô cằn cỏi, đất phèn đeo đuổi, bám lấy từng cuộc đời và từng con người ở đây. Chứng kiến những con sông đỏ nặng phù sa, mang dòng nước ngọt mát lành về bồi đắp miền đất mẹ thân thương, và chúng ban tặng những sản vật phong phú, một phần làm vơi đi gánh nặng mưu sinh cho những con người nương mình theo dòng chảy bạc.

Về Miền Tây để thấy hàng dừa xanh rợp bóng dưới trời chiều, bụi hoa dâm bụt tô thắm một vùng trời; hàng dừa nước len theo con nước, dẫn mái chèo chiếc ghe chòng chành xuôi ngược; nhành hoa gạo nở dọc nơi mom sông, kết tình tri kỷ với bao cô cậu học trò, chứng kiến tuổi thơ thăng trầm dịu ngọt của bao thế hệ. 

Về để chứng kiến nhánh điên điển buồn hiu, quạnh quẻ, để thả hồn mình vào lời ca câu hát, để gặm nhấm dư vị mang chút nồng nàn, mang chút da diết, bình yên mà nhẹ nhàng như hơi thở của những con người Miền Tây vậy.

"Chồng gần không lấy đi lấy chồng xa…như màu điên điển say mê..." 

Hình hài từng cành cây ngọn cỏ ngập tràn trong các áng văn thơ dưới cặp mắt thấm đẫm tình quê của các cây bút trữ tình, có phải họ là người con xa xứ, muốn gửi gắm lời ca, lời thơ, câu hát, điệu lý,câu hò, để chấp cánh bay cao nỗi nhớ nhà da diết, để bùng cháy ngọn lửa của tình yêu xứ sở, hay họ chỉ là kẻ lữ khách, bị cảnh sắc trời chiều chiếm trọn lấy tâm hồn, nhẫn nhơ len lỏi vào từng ngỏ ngách màu vàng úa của nhánh cây kia, mà thu vào tầm mắt.

Nhánh lục bình bông tím mong manh, lững lờ, trôi nổi từ khi sinh ra cho đến lúc hình hài hòa vào trong cát bụi. Lay lất nổi trôi, chốc chốc lại bám víu vào bờ tìm chốn tựa nương. Ai cũng bảo màu tím là màu buồn, tím là màu của sự ưu tư, chắc không phải ngẫu nhiên mà số phận bồng bềnh lại đeo mang vào nhánh cây miền sông nước này. 

Về Miền Tây để thấy người miền tây theo nghiệp "hạ bạc" cũng vậy, quanh năm lênh đênh trên miền sông nước. Mặc dù biết đặng nghiệp “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá ” này vốn đạm bạc, và men theo con nước đâu phải là cánh cửa rộng mở, đời sẽ lắm nhọc nhằn, chuyện áo cơm sẽ còn nhiều âu lo. Bởi:

"Buôn bán không lời chèo chống mải mê".

 nhưng họ vẫn gửi gắm miếng cơm manh áo vào con nước, vào tín ngưỡng thờ cúng “Bà Cậu”.

“Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Ngao, thấy con cá bông lao nó nhảy nhào vô lưới, anh ngồi chắc lưỡi, không biết chừng nào mới cưới đặng được em ”.

Trong những buổi tối tờ mờ sương, khi gió hắt hiu bắt đầu thổi, trên con sông hứng trọn những ánh trăng non, cái món làm tương tư biết bao người thi sĩ này, chỉ có những con người thổn thức trời đêm, bơ vơ dập dờn trên mặt nước, tìm kiếm những mẻ lưới đầy cá trang trải cho những buổi sớm mai. Các chú các cô có khi cả đời họ, thứ tài sản vô giá nhất chỉ là sông…là nước... Hàng mi ướt đẩm sương đêm, làn da mặn mòi dầm dãi biết bao mùa nắng, cái nắng khắt nghiệt của nghiệp mưu sinh từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây đốt cháy những con người bán mặt cho đất, bán lưng cho trời này.

Ngược xuôi theo con nước, lướt nhẹ theo nhịp chèo khua để chứng kiến và cảm nhận những con người chung sống nghĩa tình, bám sông vì nghiệp hạ bạc đã đeo mang ở chốn miền Tây sông nước này. Tuy vậy, những con người ấy lại nghĩa tình, mộc mạc và gần gũi như cái cách họ gắn bó với quê hương với xứ xở. Đêm đêm “trà dư tửu hậu”, đờn ca đối đáp cùng chiến hữu mà buôn bàn chuyện những mùa cá, chuyện những con nước có lẽ là thú vui tao nhã của dân miền sông nước. Về đây để nghe món đờn lai láng, hò ơ những khúc sông, hiểu tại sao anh bán chiếu lại chẳng đặng bán chiếu, mà trôi nổi đi tìm “em”, để rồi trái tim đành lỗi nhịp.

Người dân ở đây rất hiếu khách, bất kể khi nào bạn đặt chân đến đây, họ cũng nồng hậu đón mời, có thể là một trái dừa, vài trái chín cây thơm thảo, hay chỉ đơn giản là một nụ cười tươi, vui vẻ đón mời. Lang thang đầu làng cuối xóm, là có thể tiện tay bẻ vội vài trái mận, ngắt vài trái chôm chôm mà nhâm nhi chuyện trò với bạn với bè. Xuôi theo những vườn trái cây chín đỏ, xum xuê trĩu quả, ngắm những thân quằng mình gánh lấy đàn con, ròng rã hứng trọn ánh nắng mặt trời, hút trọn mạnh nước ngầm, mang dinh dưỡng đi nuôi máu mũ của chúng, mới có thể hiểu được thiên nhiên tạo hóa đã ưu ái vùng đất Chín Rồng này như thế nào.

Về Miền Tây để được thưởng thức những món ăn mang đậm dư vị miền Tây, những bữa tiệc ngọt ngào mang hương vị từ thuở ông cha đi mở đất. Là ốc luộc cơm mẻ, chuột đồng nướng, ếch xào sả ớt, lươn hấp bầu, lẩu mắm cá kèo, canh chua cá bông lau, cháo cá lóc,... là món cá lóc nướng trui và nhăm nhi tách trà chén rượu, là lẩu mắm thơm lừng, đậm đà phong phú với các món rau vùng sông nước như bông súng, điên điển, rau đắng, hoa sua đũa, hay món lẩu cá linh và bông điên điển, không hiểu vì lí do gì mà điên điển luôn được gắn liền với cá linh, có lẽ mỗi mùa nước nổi là hai tâm hồn cô độc này tự mình tìm đến nhau như một quy luật tự nhiên của tạo hóa. “Đêm phương Nam nghe dòng sông nước chảy”, ngồi đong đưa trên chiếc xuồng nhỏ len lỏi qua những khúc sông, những con rạch quanh co, thưởng thức những món ăn dân dã và lặng lặng nằm nghe câu hò ơ điệu lý, bản giọng cổ buồn, à ơi câu hát cùng tiếng đàn bầu,.. ngọt ngào và êm ái như lời ru.

 

Vậy, hãy Miền Tây để cảm nhận những nét chấm phá của tạo hóa lên vùng đất lành này, để thưởng thức những sản vật, những của ngon vật lạ, những bữa tiệc đậm đà hương sắc của bà con miền Tây sông nước.

Và về đây để  thấy “con người là hoa, là đất”, ngọt nhất là lòng người ở đây....